Nhà tôi ở quê thuộc diện hộ nghèo, xung quanh cây cối mọc đầy vườn, mỗi lần bị cảm, mẹ không đi mua thuốc mà nấu cái nồi xông hơi dân gian giải cảm cho chị em tôi. Sau khi trùm mền với cái nồi xông, rồi làm tô cháo hành chứng ngoại cảm giảm nhẹ và khỏi hẳn.
“Con Heo sổ mũi à? Để mẹ ra sau vườn hái ít lá nấu cho nó cái nồi xông!”. Nồi xông hơi của mẹ là hỗn hợp của các loại lá cây trong vườn nên rất dễ dàng tìm thấy. Hầu như quê tôi ai cũng thuộc lòng các loại lá ấy.
Cứ lâu lâu trái gió trở trời là chị em tôi người bị cảm, đứa sổ mũi, đứa nóng lạnh…. Nguyên liệu gồm lá cây vườn nhà như: lá ổi, lá sả, lá bưởi… nói chung có vị hơi “thơm nồng” một chút là có thể dùng được trong nồi xông hơi đặc biệt này.
Khi gom đủ, mẹ bắc nồi xông hơi cùng hỗn hợp lá cây lên bếp, tầm 15 phút là mẹ gọi chúng tôi ra hỏi, đứa nào bị cảm thì xông trước, đứa nào ít hơn thì xông sau (còn gọi là “xông hôi”). Chỉ có việc xông hơi thôi mà chúng tôi cứ mãi tranh giành, đứa nào cũng cho mình bị cảm nhiều hơn để được ưu tiên.
Mẹ đặt nồi xông lên giường, lấy cái chăn trùm kín mít không chừa một kẽ hở rồi kéo nắp nồi xông nhè nhẹ cho cái mùi hương hỗn hợp của lá cây xông vào mũi chúng tôi. Các loại lá cây này khi trộn lẫn với nhau tạo nên cái mùi hương rất “lạ” mang nặng hương vị của cây xanh, đất đai, đồng ruộng. Lâu ngày đâm ra thành “nghiện” cái hương vị đồng quê bên nồi ngày ấy. Lắm khi, tụi nhỏ chúng tôi lại “giả bộ” bị cảm để được mẹ nấu cho cái nồi xông, cho đỡ thèm.
Có lần tôi thắc mắc tại sao mẹ không mua thuốc trị cảm, mẹ bảo rằng: “Dùng thuốc đặc trị lâu ngày sẽ thành quen, cảm lạnh sơ sơ thì xông cái nồi lá cây của mẹ thì cũng khỏe thôi mà.” Chỉ cần chút lá, cần thì kết hợp với một số cách điều trị dân gian như cạo gió, giác hơi, cái cảm, cái ốm tự nhiên biến mất, chẳng tốn tiền thuốc men rồi “nhờn thuốc” như tụi trẻ con bây giờ, mà đứa nào đứa nấy lớn như thổi, khỏe vâm vâm.
Mỗi lần xông hơi xong, sẵn còn bếp lửa, mẹ bắc vội cái nồi cháo nhỏ lên trên bếp. Khi cháo nở chuẩn bị nhắc xuống, mẹ đập quả trứng gà rồi khoấy đều. Kế đến mẹ nêm hành lá, rắc ít hạt tiêu lên trên mặt. Tôi húp soàn soạt một cách ngon lành, bao nhiêu mồ hôi trong người vã ra ướt áo.
Nhà tôi khi đó có hai chị em, cha tôi mất khả năng lao động sớm nên mẹ phải lam lũ, cực nhọc. Một đời tần tảo nuôi con mà không nghĩ đến bản thân mình. Ngày ngày dãi nắng dầm sương chỉ mong muốn cho con mình được khỏe mạnh, ăn học nên người. Rồi mỗi khi tụi con “dở chứng” là lại tất bật nồi lá, đánh gió. Nhớ cái vị xông hơi hay đồng tiền cạo gió mà cay cay khóe mắt.
Giờ đây, sống nơi phố thị, khi cảm lạnh, họa hoằn lắm may ra kiếm được một bà bán lá ngoài chợ. Nhưng rồi thì cuộc sống hối hả cứ khiến người ta chặc lưỡi, tống luôn viên thuốc “Tây” vào người cho nhanh. Nhưng trong sâu thẳm, chị em tôi vẫn luôn nhớ đến cái mùi thơm lừng đặc biệt của nồi xông hơi chan chứa cái vị thương yêu khó lẫn thuở nào…
Có thể bạn quan tâm:
Công trình thi công mẫu Spa DAS do công ty Thành Tín phối hợp thi công thiết kế tại TPHCM
Thật tuyệt vời khi hưởng thụ xông hơi spa tại nhà trong mùa lạnh
Có thể tận dụng phòng tắm sẵn có tại nhà để lắp đặt phòng xông hơi được không?
Xông hơi bằng máy xông hơi ướt kết hợp thảo dược có tác dụng gì?
Làm cách nào để vệ sinh, bảo quản phòng xông hơi ướt đúng cách?
Vì sao sau khi quan hệ thì đàn ông không nên xông hơi?